Tròn một thập kỷ trước, vào năm cuối năm 2013, thế giới chiêm ngưỡng sự trỗi dậy của Flappy Bird - một trò chơi điện thoại với thiết kế đơn giản nhưng có độ khó cao, kích thích bản tính khiêu chiến thử thách của vô số người chơi. Nhờ thế mà Flappy Bird đã trở thành một hiện tượng toàn cầu đầu năm 2014. Thế nhưng, không lâu sau đó, vào đúng ngày hôm nay (mùng 8 tháng 2) của 10 năm trước, cha đẻ của Flappy Bird - Nguyễn Hà Đông - đã không chịu được nhiều dư luận trái chiều từ báo chí và cộng đồng mạng, và gỡ bỏ trò chơi tỷ đô của mình khỏi mọi nền tảng ứng dụng.
Sự kiện lịch sử này dù đã trải qua được một thập kỷ, xong nhiều hoài nghi, hiểu lầm chưa có lời giải vẫn đọng lại trong trí nhớ của nhiều người. Hôm nay mình muốn thông qua bài viết này bác bỏ một số cáo buộc sai lệch về Flappy Bird.
Trước đấy, mình muốn gửi lời cảm ơn đến SoullessPuppet vì đã giúp mình biên xoạn và dịch toàn bộ bài viết này sang tiếng Anh trước dịp tết bận rộn!
Đính chính
Trên đời này không có ai là không thiên vị, hay trung lập một cách hoàn hảo cả. Bản thân mình là một người Việt Nam, và cũng là một người đam mê làm game, nên mình có sự đồng cảm lớn dành cho anh Đông. Mình muốn đính chính là, mặc dù mình cố gắng nhìn nhận mọi sự việc một cách công bằng nhất, mình vẫn sẽ có sự thiên vị đối với Flappy Bird, dù ít dù nhiều, và dù vô ý hay có ý. Nhưng những luận điểm mình đưa ra là có cơ sở và bằng chứng đi kèm.
LÀM ƠN ĐỪNG QUẤY RỐI BẤT CỨ CÁ THỂ HAY TỔ CHỨC NÀO ĐƯỢC ĐỀ CẬP ĐẾN TRONG BÀI VIẾT NÀY !!!!!
Mình biết sẽ không tránh khỏi việc một số độc giả của bài viết nảy sinh ý định "thực thi công lý" tới một số đối tượng được đề cập trả thù cho anh Đông. Nhưng mình mong mọi người có thể kiềm chế, vì chính sự "phẫn nộ" của cư dân mạng đã phần nào dẫn tới việc anh Nguyễn Hà Đông không thể chịu đựng được và phải xóa Flappy Bird. Chúng ta không nên hạ thấp bản thân tới cấp độ của họ, mà bản thân những người đó hẳn cũng đã trở thành một con người rất khác so với 10 năm trước.
Cáo buộc 1: Dùng bots
"Smoke & Mirrors"
Hầu hết các bài báo khi đề cập đến cáo buộc này đều trích dẫn từ bài viết "Flappy Bird's Smoke & Mirrors - Is Something Fishy Going On?" trên Bluecloud.
Luận điểm của bài viết là như sau: Các game DotGears phát hành vào giữa năm 2013 đều nổi lên từ tháng 11 cùng năm. Các game của Đông đều trở nên nổi tiếng vào cùng một thời điểm mà trong các ứng dụng không hề có sự quảng các chéo cho lẫn nhau. Trong khi đó Đông không hề xây dựng chiến dịch quảng bá nào rầm rộ nào cả:
Trích từ Một bài phỏng vấn với Đông trên Chocolate Lab Apps:
Elaine (người phỏng vấn): Thành công của anh là chỉ nhờ các lượt tải tự nhiên, hay là do anh có phương thức nào khác?
Đông: Tôi không sử dụng phương thức quảng bá nào cả. Tất cả tài khoản về Flappy Bird trên Twitter, Facebook và Instagram đều không phải là của tôi. Độ nổi tiếng này có lẽ đến từ sự may mắn.
Những điều mà luận điểm này chỉ ra nghe có vẻ đáng ngờ. Nhưng nếu DotGears sử dụng bot để tăng lượng tải và đánh giá, thì chẳng phải là quá lộ liễu, và Apple sẽ can thiệp để xóa nó khỏi nền tảng luôn sao? Vào thời điểm 2012-2013 vấn đề sử dụng bot trên nền tảng App Store là hiện hữu và Apple cũng đã lên tiếng vào cuộc giải quyết vấn đề này với thành công nhất định. Không có lý do nào để Apple và Google không có hành động nào nếu một ứng dụng rất hot và thường xuyên bị cáo buộc là gian lận thực sự đang gian lận.
Tài khoản chính thức của App Store còn đăng bài viết về Flappy Bird:
Chúng tôi đạt được 99 điểm. Điểm cao của bạn là bao nhiêu?
Bài viết "Smoke & Mirrors" sau đấy đưa ra bằng chứng biện hộ cho luận điểm là: Các review về game trông khả nghi...:
Đây là một mẩu tin nhỏ thú vị khác. Hãy thử đọc qua các đánh giá, kiểm tra độ dài, đếm số lần từ "glitch" (lỗi), "ống nước", "gây nghiện" được sử dụng liên quan đến độ dài bài đánh giá. Đồng thời kiểm tra xem có bao nhiêu đánh giá tiêu cực cho 5 sao.
Đây là một vài reviews về Flappy Bird.
Tôi không nghĩ có ứng dụng nào trên App Store lại có nhiều bài đánh giá bệnh hoạn liên tục sử dụng những từ giống nhau lặp đi lặp lại đều đặn như vậy.
Trong ảnh được cung cấp bởi bài báo có 9 bài đánh giá. Từ "gây nghiện" xuất hiện 2 lần, "ống nước" xuất hiện 1 lần và không có xuất hiện chữ "glitch" nào... Cả 9 bài viết đều rất khác biệt và rõ ràng không có dấu hiệu Copy-Paste. Tôi không rõ tác giả đưa ra bằng chứng này có phải có ý châm biếm hay không? Những review này không phải là bot - chúng giống sản phẩm của một trào lưu tư duy tập thể hơn: một trò đùa mà mỗi người đều giả vờ là mình là nạn nhân của trò chơi siêu khó này. Gần như tất cả đều hiểu trò đùa đó, ngoại trừ tác giả của bài viết.
Sau đấy, trong một bài nghiên cứu dữ liệu bài đánh giá "Flappy Bird by the Numbers" bởi Zachwill, tác giả kết luận:
Ban đầu tôi dự định tập trung vào các review về Flappy Bird vào tháng 12 và tháng 1, tôi nghĩ sẽ rất thú vị khi chứng minh rằng rất có thể các reviews đó là do bots. Tuy nhiên, sau khi tải các bài reviews vào
pandas
và xem xét dữ liệu, có một điều khá rõ ràng là chúng chẳng liên quan gì đến sự thành công của Flappy Bird.
"Điều đấy chả quan trọng"
Trong bài viết "Is Flappy Bird Cooking its iTunes Rank?" vào ngày 4 tháng 2 trên Newsweek, một bài viết hoài nghi về tính thực tế về xếp hạng của Flappy Bird, Phóng viên Joe Kloc hỏi Đông trên Twitter về thực hư lượng tải của Flappy Bird:
Joe Kloc: @dongatory Xin chào. Tôi là phóng viên của Newsweek. Có địa chỉ email nào mà tôi có thể trực tiếp trao đổi về Flappy Bird với anh được không?
Đông: @joekloc Chào Joe, Tôi nghĩ báo chí nên để game của tôi yên. Sự thành công của nó bị đánh giá quá mức! Tôi xin lỗi, tôi từ chối trả lời câu hỏi.
Joe Kloc: @dongatory Tôi chỉ tò mò về bài viết gần đây nói rằng thông số lượt tải ứng dụng của anh là gian dối. Anh có thể hoàn toàn phủ định nó được không?
Đông: @joekloc Điều đấy chả quan trọng. Anh có nghĩ vậy không? Nếu tôi làm giả lượt tải, Apple có để yên chuyện đó suốt hàng tháng không?
Joe Kloc: @dongatory Nếu điều đấy không quan trong, anh có làm điều đấy không?
Câu "Điều đấy chả quan trọng" mà anh Đông nói có ý là việc Đông khẳng định hay phủ định không quan trọng, vì dù anh có nói điều gì đi nữa, báo chí và cộng đồng mạng cũng sẽ có cách để chửi. Vì đúng vậy, câu hỏi mà phóng viên đặt ra là một sự trói buộc hai mặt. Sự trói buộc mà:
- Nếu anh phủ định, anh sẽ bị cho là kẻ nói dối.
- Nếu anh không thể phủ định, thì đấy coi như nhấn nút tự hủy.
- Nếu anh giữ im lặng hoặc từ chối trả lời, anh sẽ có vẻ thiếu bản lĩnh và đáng nghi.
Mặc dù đưa ra luận điểm rất thuyết phục: "Nếu tôi làm giả lượt tải, Apple có để yên chuyện đó suốt hàng tháng không?", câu trả lời này vẫn có thể bị rơi vào trường hợp thứ 3.
"Dark Pattern"
Khi Flappy Bird được trở nên nổi tiếng, rất nhiều chuyên gia chật vật không biết giải thích thế nào cho sự thành công này, một bài báo mang tên "A 'Dark Pattern' In Flappy Bird Reveals How Apple's Mysterious App Store Ranking Algorithm Works" trên Business Insider đưa ra giả thuyết rằng Flappy Bird sử dụng Dark Pattern (một thiết kế khéo léo để đánh lừa người dùng làm một điều gì đó):
Trong các phiên bản cũ của trò chơi, nút "đánh giá" ở cuối mỗi lượt chơi được đặt cùng vị trí mà người chơi nhấn để chơi. Do đó khi người dùng muốn nhấn nút tiếp tục chơi, họ có thể dễ dàng nhấn nhầm phải vào nút "đánh giá".
Dưới đây là ảnh chụp từ video quay lại phiên bản cũ của Flappy Bird trên IOS được đăng trên kênh Youtube của IGN:
Còn đây là giao diện của những bản cập nhật về sau:
Ở cả hai màn hình trong mọi phiên bản, nút để chơi đều nằm ở phía bên trái một cách thống nhất, và nút đánh giá thậm chí còn không xuất hiện ở màn hình Game over. Cũng không có mấy tiểu xảo như dùng màu chủ đạo để đánh lạc hướng, hay thay đổi vị trí để đánh lừa thói quen người dùng như bài viết nói đến.
Nếu bạn cho rằng vì hầu hết mọi người đều thuận tay phải do đó việc đặt nút chơi ở phía bên trái là không thân thiện người dùng, hoặc muốn người dùng chẳng may nhân vào nút share hơn thì:
- Khoảng 10% dân số thế giới thuận tay trái.
- Hầu hết các ngôn ngữ đều được đọc/viết từ trái sang phải, vì thế việc đặt nút chơi bên trái sẽ giúp người dùng thấy nút chơi đầu tiên.
Cáo buộc 2: Game dở
Thiết kế trống rỗng
Khi Flappy Bird dần trở nên nổi tiếng, rất nhiều người cho rằng trò chơi này qua đơn giản và trống rỗng, không có nhạc và rất ít âm thanh. Vì thế nó không xứng đáng với sự nổi tiếng:
Trích từ bài báo "Six Ways Flappy Bird is Actually Pure Evil":
Mỗi khi bạn vượt qua một đoạn ống trong Flappy Bird, bạn ghi được một điểm, đó là toàn bộ trò chơi. chả có gì khác để đạt được từ trò chơi.
Sau đó, bạn chả thể làm gì khác ngoài việc lặp lại hành động đầu tiên đó trong thời gian dài nhất mà bạn có thể trụ được.
Không có sự leo thang, không có sự thay đổi về kích thước của các khoảng cách giữa các ống và nó không mang lại cảm giác thú vị gì, cả về hình ảnh lẫn âm thanh. Flappy Bird đơn giản là một tội ác, giống như vấp ngón chân, quỳ trên một mảnh Lego hay một cú đá mạnh vào giữa háng.
Tác giả của bài viết này sử dụng ngôn từ rất mạnh. Có lẽ một phần vì quá khích, và nhiều hơn là giả tạo để câu view.
Một bài phê bình Flappy Bird mà được nhiều tờ báo trích dẫn và đề cao là bài viết "The Squalid Grace of Flappy Bird" trên tờ The Atlantic. Bài viết này được viết khá tâm huyết và chi tiết, nhưng có phần dài dòng... Ở đây tác giả chỉ ra thiết kế đơn giản của Flappy Bird, đơn giản hơn cả Tetris và cơ vây nhưng lại không có chiều sâu trong sự đơn giản đó. Đồng thời nhận định dòng chảy của trò chơi quá "phẳng", không hề có thay đổi gì.
Mình có thể hiểu được phần nào quan điểm của tác giả, nhưng mình không đồng ý. Với những trò chơi đơn giản như Flappy Bird thì việc có chiều sâu là một điểm cộng đáng ao ước, nhưng dòng chảy không thay đổi không chắc đã là tệ. Bởi thiết kế tối giản tột độ: không nhạc, không hiệu ứng, ít âm thanh của Flappy Bird, trò chơi dẽ dàng đưa người chơi vào trạng thái tập trung cao độ. Độ khó của trò chơi ở đây biến thành điểm cộng: nó ép người chơi phải tập trung hơn vào từng hành động, từ đó dễ dàng vào zone hơn.
Thay vì so sánh với Tetris hay cờ vây, Flappy Bird nên được ví với việc chơi nhảy dây, đá cầu hay tung hứng ở ngoài đời. Trò chơi rất khó khi mới học chơi, xong khi đã quen dần, độ khó phụ thuộc vào việc bạn có thể "ở trong zone" và không gây lỗi lầm được bao lâu. Xét ở khía cạnh này, Flappy Bird còn giúp người chơi vào zone nhanh hơn những game endless runner phức tạp khác như Jetpack Joyride.
Bennett Foddy, nhà làm game nổi tiếng, cha để của tác phẩm kinh điển Getting Over It còn nhận định rằng:
Vật lý không thực tế
Tất cả chúng ta đều biết Flappy Bird là một trò chơi khó, nhưng nhiều người lại cho rằng trò chơi khó bởi vì vật lý của trò chơi không thực tế. Điều này mặc dù có phần đúng và sai, theo một bài báo khoa học đi sâu vào giải thích vật lý trong game Flappy Bird trên Action-Reaction:
TL;DR: Vậy vật lý trong Flappy Bird có chân thực không? có VÀ không.
- CÓ: Trọng lực không thay đổi, tạo ra sự gia tốc bất biến 9.8 m/s/s (nếu chúng ta coi kích cỡ của con chim bằng với một con chim oanh ngoài đời thực).
- KHÔNG: Lực đẩy được cung cấp bởi mỗi cú nhấp không đồng đều, vì vận tốc đang rơi xuống có thể khác nhau mà vận tốc bay lên sau khi nhấp là bất biến.
Nhưng chân thực hay không điều đó cũng chẳng mấy quan trọng, vì trò chơi cần nên hướng đến sự lôi cuốn hơn là sự thực tế. Vì sao trong Mario một người lại có thể nhảy cao hơn chiều cao của họ gấp 3-4 lần? Tại sao khối đất có thể lơ lửng trong Minecraft? Bới vì nó khiến trò chơi vui hơn, tiện hơn, và khiến trải nghiệm của người chơi trở nên trơn tru mượt mà hơn.
Cáo buộc 3: Ảnh hưởng tiêu cực đến người chơi
Vào khoảng đầu năm 2014, Flappy Bird thường được phổ biến đi khắp nơi là một trò chơi trông đơn giản ấy thế mà lại "gây nghiện". Đương nhiên, hầu hết mọi người chỉ nói nó quá nó lên như một trò đùa / trào lưu trên mạng xã hội. Thế nhưng truyền thông lại không hiểu được điều này, và đưa tin với góc nhìn thái quá, coi Flappy Bird thật sự như cần như cỏ. Tệ hơn, một vài tờ báo còn cho rằng trò chơi cố tình được thiết kế nhằm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm lý của người chơi...
Trích từ "Why Flappy Bird Was So Addictive" trên tờ Esquire:
Flappy Bird có đặc tính hình thành thói quen rất khó giải thích.
Phải có một lời giải thích về mặt tâm lý nào đó cho sự phổ biến của Flappy Bird.
Không ít đã thử đưa ra lời lý giải, chủ yếu chỉ đến hiện tượng "chỉ một lần nữa" (thậm chí nó còn được in thành áo!). Hiện tượng "chỉ một lần nữa" là khi ta tự nói với bản thân mình "chỉ ăn nốt một miếng nữa", "nốt một tập nữa" hay ở đây "nốt một ván nữa". Xong khi cái nốt đấy kết thúc, ta lại thấy muốn làm tiếp và tự nhủ với bản thân "chỉ một lần nữa", lặp đi lặp lại... Với Flappy Bird, hiện tượng này dễ xuất hiện hơn, bởi mỗi lượt chơi chỉ ngắn đến vài giây, và người chơi có thể dễ dàng bắt đầu lại ngay lập tức. Người chơi còn không cần phải "thoát zone" thì trò chơi đã có thể tiếp diễn. Nhưng khẳng định đây là một thiết kế nhằm cố ý khiên người chơi bị nghiện là điều khá xa vời.
Không thể gán mác "cố tình gây nghiện" lên một trò chơi chỉ vì thiết kế ngắn và đơn giản của nó. Như ở mục trước đã đề cập, Flappy Bird nên được so sánh với nhảy dây, đá cầu hay tung hứng, những trò chơi đó đều có thời gian của mỗi lần chơi đều có thể rất ngắn, và việc chơi lại cũng gần như lập tức. Liệu có thể nói những trò chơi truyền thống cũng được cố tình thiết kế để gây nghiện không?
Trong một buổi phỏng vấn độc quyền với hãng tin Forbes, Nguyễn Hà Đông nói:
Flappy Bird được thiết kế để chơi trong vài phút khi giải lao thư giãn.
Mark Griffiths, giám đốc đơn vị nghiên cứu về trò chơi tại đại học Nottingham Trent đã có bài viết "Flappy Bird obsession is not necessarily an addiction" giải thích rằng việc bị cuốn hút bởi Flappy Bird không nhất thiết là nghiện nó đến mức ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống.
Một số vụ việc bịa đặt
Trước cơn sốt Flappy Bird đầu năm 2014, không ít trang báo thấy đấy làm cơ hội đăng bài giật tít trục lợi với thông tin sai lệch. Nhiều trang báo tiếng Anh đưa tin về vụ một người em đâm chết anh ruột vì chơi game Flappy Bird giỏi. Sau khi tìm hiểu mình truy được nguồn của bài viết đến trang blog Huzlers, một trang báo lá cải chuyên đưa tin giả, tin giật gân sai sự thật.
Sự thật về bài báo này đã được phơi bày bởi nhiều nguồn tin đáng tin cậy hơn. Bạn có thể tìm hiểu về vụ việc trên bài viết "Thực hư chuyện đâm chết anh ruột vì chơi game Flappy Bird giỏi" của báo Thanh Niên hoặc "Báo nước ngoài dựng chuyện em đâm chết anh ruột vì chơi game Flappy Bird giỏi" của báo Lao Động. Video "The Flappy Bird Murder - Internet Mysteries" của TheGamerFromMars cũng đã vạch trần vụ việc một cách rất chi tiết với góc nhìn tổng quan.
Phản ứng của Đông
Mặc dù gần như toàn bộ những câu chuyện "Flappy Bird làm tàn đời" là giả hoặc bị nói quá sự thật, Nguyễn Hà Đông có vẻ lại thật sự tin vào một số trong đó. Cũng trong bài phỏng vấn với tờ Forbes, Đông nói:
Flappy Bird được thiết kế để chơi trong vài phút khi giải lao thư giãn, nhưng nó tình cờ trở thành một sản phẩm gây nghiện. Tôi nghĩ nó đã trở thành một vấn đề. Để giải quyết vấn đề đó, tốt nhất là phải gỡ Flappy Bird xuống.
Trích từ bài phỏng vấn với tờ RollingStone từ góc nhìn của phóng viên:
Anh ấy đưa cho tôi chiếc iPhone của anh ấy để tôi có thể lướt qua một số tin nhắn anh ấy đã lưu. Một tin nhắn từ một người phụ nữ chỉ trích anh ta vì "khiến trẻ em bỏ lơ thế giới thực tại." Một người khác than thở rằng "13 đứa ở trường tôi đã đập vỡ điện thoại vì trò chơi của anh, xong họ vẫn chơi nó vì nó nghiện như chơi đá." Nguyễn kể cho tôi nghe về những email từ những người bị mất việc, một người mẹ đã ngừng nói chuyện với con mình vì Flappy Bird. "Lúc đầu tôi tưởng họ chỉ nói đùa," anh ấy nói, "nhưng tôi nhận ra họ thực sự đã làm tổn thương chính mình." Nguyễn nói rằng anh ấy đã trượt bài kiểm tra ở trường trung học vì chơi quá nhiều Counter-Strike - Thực sự tin vào những lời nói đó.
Trên mạng xã hội Twitter, Nguyễn Hà Đông cũng thường xuyên hiểu lầm những câu đùa nói quá của cộng đồng mạng là thật, rồi khuyên người chơi của mình nên nghỉ ngơi và chơi Flappy Bird một cách lành mạnh hơn:
Người dùng Twitter: lol hiện tại tôi sẽ không bao giờ đi ngủ được với những trò chơi thế này 😭
Đông: Chúc một đêm ngon giấc :-) Hay cho game của tôi được nghỉ nữa.
Người dùng Twitter: tôi đã chơi flappy bird được 3 tiếng liền nó là thứ gây nghiện nhất từ trước đến nay
Đông: Thế là quá nhiều rồi. Hãy cho bản thân và trò chơi được nghỉ ngơi :D
Người dùng Twitter: FLAPPY BIRD ĐÃ HỦY HOẠI CUỘC ĐỜI TÔI! TÔI ĐÃ CHƠI TRÒ NÀY LIÊN TỤC SUỐT 8 TIẾNG VÀ TÔI THỀ TÔI ĐANG CHẢY MÁU MẮT
Anh thường xuyên nhận những tin nhắn như thế, và chúng đều gây áp lực tâm lý tới anh. Và rồi anh không thể chịu được nữa. Như tất cả chúng ta đã biết, anh Đông gỡ bỏ Flappy Bird xuống khỏi mọi nền tảng ứng dụng, với mong muốn khiến mọi người không bị "nghiện" trò chơi này nữa.
Cáo buộc 4: Ăn cắp bản quyền Mario
Hãy đi đến phần quan trọng nào, đây là lý do chính mà mình làm bài blog này: Đó là cáo buộc vi phạm bản quyền. Hầu hết các trang tin khi đăng bài nghi vấn Nguyễn Hà Đông vi phạm bản quyền đền trích dẫn bài viết của Kotaku: "Flappy Bird Is Making $50,000 A Day Off Ripped Art" đăng vào 6/1/2014. Đọc qua bài viết ta có thể dễ dàng thấy tính cáu bản của tác giả:
Đầu tiên tác giả đề cập đến việc Nguyễn Hà Đông kiếm được rất nhiều tiền từ trò chơi:
Flappy Bird đã trở nên nổi tiếng đến mức người tạo ra nó, Đông Nguyễn, nói với trang tin Verge là anh ấy kiếm được 50,000 đô mỗi ngày từ tiền quảng cáo. 50,000 đô mỗi ngày! Thế tức là 18 triệu đô một năm, FYI.
Đây là một chiêu trò nhằm tạo khoảng cách giữa người đọc và đối tượng mà bài viết muốn ném đá. Bằng việc đề cập đến số lượng doanh thu khổng lồ mà anh Đông nhận được, tác giả của bài viết khiến đọc giả cảm thấy như anh Đông và thành công của anh quá xa vời so với mình, từ đó sẽ không đồng cảm với anh nữa. Tác giả tiếp tục đá thêm câu:
Hầu hết mọi người đều nhận thức rằng nó là một trò chơi tồi tệ - và nó đúng là thế thật.
Nhữ đã giải thích ở mục cáo buộc thứ 2, điều này là không đúng sự thật. Và ở phần kết luận, tác giả chốt:
Hãy lấy đây làm một bài học cuộc sống: nếu bạn muốn kiếm 50,000 đô một ngày, hãy ăn cắp đồ họa và nhét nó vào một trò chơi tồi tệ.
Qua đó tác giả như muôn khẳng định rằng anh Đông là một nhà làm game thiếu đạo đức và khống xứng đáng với sự thành công đó. Bài viết này muốn gây ra sự bức xúc, phẫn nộ cho người đọc. Một nghiên cứu của đại học MIT cho thấy sự phẫn nộ dễ dàng được chia sẽ trên mạng xã hội hơn gấp 3 lần so với những cảm xúc khác. Nhằm mục đích câu view trục lợi, tác giả đã đưa ra nhiều lời khẳng định sai sự thật để lợi dụng cảm xúc của con người, khiến bài viết của mình được chia sẻ trên mạng xã hội nhiều hơn.
Bây giờ chúng ta hãy phân tích các luận điểm được đưa ra trong bài báo. Hầu hết chúng đều liên quan đến việc anh Hà Đông lây cắp âm thanh, đồ họa từ dòng game Mario của hãng game Nhật Bản Nintendo.
Ăn cắp hiệu ứng âm thanh
Trích bài viết trên Kotaku:
Hiệu ứng âm thanh lấp lánh khi chú chim của bạn bay giữa các đường ống được lấy cảm hứng rất nhiều từ tiếng thu thập tiền xu giống tiếng chuông trong Mario, đến mức chúng phát ra âm thanh gần như giống hệt nhau.
The twinkly sound effect when your bird flies between pipes is heavily inspired by Mario's coin-collecting chime, to the point where they sound nearly identical.
Đây là hiệu ứng âm thanh khi thu thập đồng xu của xuyên suốt lịch sử dòng game Mario:
Còn đây là hiệu ứng âm thanh của Flappy Bird:
Nó đều là tiếng chuông nhưng nó hoàn toàn không phải y hệt nhau. Rất nhiều game platformer khác như DuckTales hay Shovel Knight cũng có sử dụng hiệu ứng âm thanh tương tự. Ví dụ như âm thanh thu thập nhẫn vàng trong Sonic:
Âm thanh trong Flappy Bird không chỉ không được lấy từ game Mario, nó còn có phong cách khác hẳn. Điều này càng trở nên rõ ràng khi ta nghe từ chính lời của anh Nguyễn Hà Đông. Trước khi ra mắt Flappy Bird khoảng một tháng, anh Đông có lần đăng tải trạng thái trên trang Twitter cá nhân:
Đây là việc rất phổ biến với những nhà làm game nhỏ lẻ không đủ kinh phí để thuê người làm hiệu ứng âm thanh, và cũng là điều được khuyên làm cho những bạn mới làm game. Anh Đông cũng có tài khoản Soundcloud chuyên đăng hiệu ứng âm thanh mà anh làm và sử dụng, mọi người có thể xem qua.
Ăn cắp hình nền
Trích bài viết trên Kotaku:
Hình nền cũng có vẻ được lấy cảm hứng mạnh mẽ từ Mario.
Mình có thể tự tin nói thẳng luôn rằng điều này là sai sự thật và vô căn cứ. Không như những luận điểm mà chúng ta sẽ đi qua sắp tới, tác giả không đưa ra hình ảnh ví dụ cụ thể nào, vì làm gì có cái phông nền nào trong Mario giống như thế đâu mà so sánh. Hình nền của Flappy Bird là một dãy nhà cao tầng, và thế giới Mario có một số hiếm hoi những quang cảnh tương tự:
- Trong thế giới của mario có thành phố với tòa nhà cao tầng như New Donk City nhưng nó chỉ có ở các game spin-off hoặc game 3D (chủ yếu trong các series spin-off như Mario Kart và Mario Party).
- Hầu hết các game Mario 2D với đồ họa pixel art lấy địa điểm ở vương quốc nấm lùn không có thành phố, mình đã kiểm tra tất cả các game trong series Super Mario Bros từ hệ máy NES cho đến GBA và không thấy một thành phố nào cả.
Mình có moi được toàn bộ hình nền của Big City trong game "Donkey Kong" trên hệ máy Game Boy và của Mario Toy Company trong game "Mario vs. Donkey Kong" cũng có lấy bối cảnh ở thành phố:
Mà nó trông chả giống với hình nền của Flappy Bird một chút nào, tất cả đều chỉ có điểm chung duy nhất là hình nền với phong cách đồ họa pixel art lấy bối cảnh thành phố. Nếu khẳng đinh hình nền của Flappy Bird được "lấy cảm hứng mạnh mẽ từ Mario", thì chả nhẽ Mega Man, Kero Blaster, River City Ransom cũng đều "lấy cảm hứng mạnh mẽ từ Mario" hết à?
Ống nước màu xanh và Faby
Trích bài viết trên Kotaku:
Hãy nhìn vào những cái ống, chẳng hạn:
Bên tay trái là từ Flappy Bird; còn bên tay phải là từ game Super Mario World.
Một lần nữa, cả hai ảnh này đều chỉ có điểm chung là đều là ống nước màu xanh với phong cách pixel art, ống nước trong Flappy Bird không ăn cắp đồ họa trực tiếp từ Mario. Mình còn tập hợp hình ảnh của ống nước trong gần hết các game Mario 2D pixel art để đối chiếu:
(Bạn có thể lựa chọn các game Mario khác để so sánh.)
Không có đồ họa của chiếc ống nào bị ăn cắp trực tiếp cả. Tiếp đến là chú chim Faby:
Trích bài viết trên Kotaku:
Thế còn bản thân chú chim? Mặc dù chú chim Flappy Bird không phải là bị ăn cắp đồ họa trực tiếp, nó có vẻ là sự kết hợp giữa nhân vật kẻ địch Spike và Cheep Cheep trong trò Super Mario Bros. 3. Nhìn xem bạn có nhận ra điểm tương đồng không:
(Trái: Flappy Bird. Phải/Trên: Spike. Phải/Dưới: Cheep-Cheep.)
Ở đây tác giả cũng công nhận rằng đây "không phải là bị ăn cắp đồ họa trực tiếp" nên mình sẽ không tập hợp hình ảnh từ Mario và so sánh nữa.
Fair use
Các Flappy Bird hater (nếu họ cón tồn tại) khi đọc tới đây sẽ có thể nghĩ rằng: "Không ăn cắp trức tiếp không có nghĩa là nó không phải là đạo nhái, chính miệng Hà Đông cũng bảo là anh lấy cảm hứng từ Mario cơ mà!"
Anh Hà Đông đúng là có lấy cảm hứng từ Mario.
Trích từ "The Flight of the Birdman: Flappy Bird Creator Dong Nguyen Speaks Out", một bài phỏng vấn với anh Đông của trang tin RollingStone:
Một năm về trước, anh ấy vẽ một chú chim với đồ họa pixelated trên máy tính tựa như chú cá của Nintendo, tên gốc của chú cá là Cheep Cheeps. Anh ý vẽ chiếc ống màu xanh - giống như trong Super Mario Bros. - để chú chim bay qua.
Khi bị cộng đồng mạng nghi vấn về vấn đề bản quyền với Nintendo, anh trả lời:
Anh ý nói đúng. Nhiều người đề cập đến vấn đề bản quyền giữa Mario và Flappy Bird ngó lơ luật Fair use. Fair use (Luật sử dụng hợp lý) cho phép sử dụng tác phẩm hoặc các thành phần của một sản phẩm đã được đăng ký bản quyền cho mục địch giáo dục, đánh giá chẳng hạn. Fair use cũng xem sét số lượng và bản chất của việc sử dụng để xem sét xem một sản phẩm có vi phạm bản quyền với sản phẩm khác hay không.
Quy luật này tồn tại để hạn chế việc cá nhân hoặc tổ chức chiếm thế độc quyền trên thị trường và làm hạn chế sự phát triển của khoa học, nghệ thuật. Đồng thời cho phép những người khác được lấy cảm hứng, chuyển hóa, biến đổi, cải tiến những sản phẩm đã tồn tại. Giờ hãy cùng so sánh Flappy Bird với Mario nhé:
Đầu tiên là Faby, mình sẽ không so sánh Faby với Spike vì nói thật, điểm chung duy nhất giữa hai nhân vật này là có mỏ dày. So sánh với Cheep-Cheep, có những điểm chung sau:
- Dáng tròn như quả cầu.
- Mỏ to.
- Cánh màu trắng.
- Hai mắt to.
Còn về điểm khác nhau:
Faby | Cheep-Cheep |
---|---|
Là loài chim | Là loài cá |
Thân nó hoàn toàn màu vang | Thân màu đỏ, bụng màu trắng |
Không có đuôi hay vây lưng | Có đuôi và vây lưng |
Hai nhân vật không những là hai loài khác nhau, những đặc điểm giống nhau giữa hai nhân vật mà ta vừa đề cập đến cũng có chút khác biệt.
Faby | Cheep-Cheep |
---|---|
Mỏ dẹt và dài | Môi dày và tròn |
Cánh nhỏ và để thấp | Vây to và để cao |
Xét về ngoại hình thôi chưa phải là tất cả, hai nhân vật còn được sử dụng với mục đích và có sự tương tác với thế giới bên trong trò chơi khác nhau:
Faby | Cheep-Cheep |
---|---|
Là nhân vật mà người chơi điều khiển | Là kẻ địch tấn công người chơi |
Bay vô hạn theo hình vòng cung trên không trung | Bơi thẳng đều dưới nước, ở một số level có nhảy lên khỏi mặt nước |
Thế còn chiếc ống nước giống trong Mario? Bạn biết đấy, ông nước màu xanh có thật ở ngoài đời:
Ống to, có mép dày, màu xanh tươi ý như trong Mario có ở ngoài đời chứ không phải chỉ là sản phẩm trí tuệ của Nintendo. Mà bạn cứ nghĩ mà xem, cái khái niệm "ống nước màu xanh" rất là chung chung và đã tồn tại hoặc được ứng dụng ở nhiều lĩnh vực. Bản thân nó không thể nào bị một cá nhân hay tổ chức nào độ quyền đăng ký bản quyền được. Nhưng để cho chắc chắn, hãy so sánh ống nước trong Flappy Bird với Mario:
Trong Flappy Bird | Trong Mario |
---|---|
Người chơi chạm vào là chết | Chạm vào không sao cả, chỉ ở một số ít level, một số đoạn ông được đặt để cản đường người chơi |
Không có gì có thể tương tác với nó (ngoài bị chết) | Người chơi và các nhân vật có thể chui ra hoặc vào, để có thể di chuyển vị trí, chuyển level... |
Một lần nữa, cách sử dụng ống nước giữa hai trò chơi rất khác nhau. Vậy tại sao anh Hà Đông lại dùng hình ảnh ống nước giống Mario mà không phải một cái gì khác như tường gạch hay lazer?
Không có bất cứ tác phẩm nào tồn tại hoàn toàn độc lập cả, Flappy Bird cũng vậy. Flappy Bird là một trò chơi điện tử, trò chơi điện tử là nghệ thuật, và nghệ thuật là một cuộc hội thoại. Một cuộc hội thoại giữa các nghệ sĩ, từ thế hệ này sang thế hệ khác, để học hỏi, trau dồi, phát triển. Nguyễn Hà Đông sử dụng hình ảnh ống nước màu xanh giống trong Mario không phải để lợi dụng sự nổi tiếng từ Mario hay vì anh lười sáng tạo ra hình ảnh khác. Anh sử dụng nó chính là vì nó là biểu tượng của trò chơi điện tử nói chung trong tuổi thơ ở thế hệ anh ấy. Anh như muốn trao tấm vé trở về tuổi thơ cho người chơi, đưa họ về khoảng thời gian ngây thơ và đơn giản, đơn giản như thiết kế của Flappy Bird. Đơn giản là điều mà anh thực sự hướng đến.
Các games khác lấy cảm hứng
Trên thị trường có tồn tại rất nhiều game lấy cảm hứng mạnh mẽ từ game của Nintendo hơn nhiều so với Flappy Bird không bị trỉ trích gì mấy, thậm chí còn được ca ngợi là đem về những ký ức hoài niệm, ví dụ điển hình như Braid lấy cảm hứng từ Mario Super Mario Bros:
Kẻ địch trong Braid: Monstar có hình thức và hành sử giống với con Goomba trong Mario:
Tương tự với Claw (Braid) và Piranha Plant (Super Mario Bros):
Level 4-2 trong Braid lấy cảm hứng mạnh mẽ từ game Donkey Kong, đồng thời tên của level cũng là "Jumpman" (biệt danh cho Mario trước khi Mario được đặt tên):
Ở cuối mỗi thế giới trong Braid, một nhân vật sẽ ra nói với người chơi rằng "công chúa đang ở một lâu đài khác", tương tự như trong Mario:
Thậm chí cả hai trò chơi đều thuộc thể loại Platformer, nhưng Braid hoàn toàn không phải là một bản đạo nhái. Trò chơi này tập trung nhiều hơn vào yếu tố giải đố với cơ chế thao túng, dịch chuyển thời gian. Nó sử dụng nhiều hình ảnh từ Mario vì muốn người chơi nhanh chóng hiểu được các cơ chế cơ bản của trò chơi, để chuyển sang tập trung luôn vào yếu tố giải đố. Không chỉ thế nó còn tạo cảm giác hoài niệm, đánh lừa người chơi lầm tưởng rằng dây chỉ là một trò chơi vui tươi đơn giản, xong lật ngược sự kì vọng đó. Mình không muốn spoiler nên mình sẽ không kể chi tiết hơn nữa.
Mario không phải là sản phẩm duy nhất được lấy cảm hứng. Ví dụ thứ 2: TUNIC lấy cảm hứng từ The Legend of Zelda, cả hai đều là game hành động phiêu lưu tập trung vào sự khám phá thế giới mở của người chơi:
Tunic lấy cảm hứng mạnh mẽ từ Zelda nhưng nó không phải chỉ là một bản nhái. Có ba video trên Youtube đã chứng minh rất tốt điều này:
- "Tunic is more than just a Zelda clone" bởi KevynTheJar
- "The Legacy of Zelda | How Tunic Embraces a Classic" bởi Transparency
- "The Legend of Zelda (and how Tunic honors it)" bởi Liam Triforce
Ngoài ra còn rất nhiều ví dụ khác: Digimon lấy cảm hứng từ Pokémon, Axiom Verge lấy từ Metroid, Antonblast lấy từ Wario...
(Nhân tiện, tất cả các trò chơi nêu trên đều được bán trên nền tảng ứng dụng eShop, nền tảng ứng dụng của Nintendo trên dòng máy chơi game của họ.)
Dưới đây là một số video liệt kê nhưng lần trò chơi ngoài hãng Nintendo lấy cảm hứng, đề cập, dựng easter egg hoặc parody tới Mario, dù ít dù nhiều, dù có hợp tác chính thức với Nintendo hay không:
Những game khác của Nintendo cũng được đề cập hoặc lấy cảm hứng:
Nintendo cũng lấy cảm hứng
Steve Jobs từng đề cập đến một câu châm ngôn:
Nghệ sĩ giỏi sao chép. Nghệ sĩ vĩ đại ăn cắp.
Nintendo hội tụ rất nhiều nhà làm game vĩ đại, đương nhiên họ cũng có "ăn cắp" từ những tác phẩm đi trước, ví dụ như game Donky Kong (trò chơi đầu tiên mà Mario xuất hiện):
Trích từ Super Mario Wiki:
Donkey Kong được truyền cảm hứng rất từ nhiều tác phẩm của Mỹ những năm 1930. Ban đầu nó được xây dựng như một game Popeye, dựa trên loạt truyện tranh và hoạt hình những năm 1930, với Bluto vào vai Donkey Kong, Popeye là Mario, và Olive Oyl là Quý cô váy đỏ.
Nintendo thời điểm đó sở hữu giấy phép để làm game với nhân vật từ Popeye nhưng vì lý do kĩ thuật nào đó, họ phải thay đổi.
Bộ phim King Kong của những năm 1930 được lấy như một nguồn cảm hứng khác và bối cảnh của trò chơi cũng là là Thành phố New York.
Giống với bộ phim King Kong, kẻ phản diện trong game của Nintendo cũng là một chú khỉ đột không lồ.
Và ở game Super Mario Bros: Trong một bài phỏng vấn với Geek Culture, Toru Iwatani (cha đẻ của Pac-Man) kể lại:
Tôi là người làm ra phần tiếp theo của "Pac-Land" và "Pac-Mania" và phần tôi thích nhất là "Pac-Land", nó là game tiên phong của dòng game hành động chạy ngang. Ngài Shigeru Miyamoto, người tạo ra "Super Mario Bros." nói với tôi rằng trò chơi đó được lấy cảm hứng từ "PAC-LAND" của hãng game Namco.
Phản hồi chính thức tù Nintendo
Sau khi thông báo khai tử Flappy Bird trên mạng xã hội, Nguyễn Hà Đông viết đính chính thêm:
Đông: Nó không liên quan gì đến vấn đề pháp lý. Chỉ là tôi không thể chịu được nữa.
Bởi dư âm từ bài cáo buộc của Kotaku, rất nhiều người hoài nghi tuyên bố của Đông. Nhưng điều đấy là đúng sự thật. Trong một Email gửi đến tờ báo The Wall Street Journal, người phát ngôn của Nintendo, Yasuhiro Minagawa đã nhắc lại các tuyên bố trước đây của công ty, rằng Nintendo không hề phàn nàn gì về sự tương đồng của Flappy Bird với trò chơi "Super Mario Bros" của Nintendo:
Trích bức thư từ người phát ngôn của Nintendo trên bài báo của The Wall Street Journal:
Mặc dù chúng tôi thường không bình luận về những tin đồn và suy đoán, nhưng chúng tôi đã phủ nhận những đồn đoán đó.
Nếu bạn cho rằng Nintendo nói vậy chỉ vì muốn tránh drama lặt vặt và giữ hình tượng thì bạn đã sai! Nintendo có một lịch sử bê bối về việc lạm dụng luật bản quyền để thỏa mãn góc nhìn cổ hủ về sở hữu trí tuệ:
- Nintendo đã từng gửi yêu cầu xóa bỏ rất nhiều sản phẩm fan game mà người hâm mộ của Nintendo tâm huyết làm ra. Trong đó có rất nhiều dự án lơn chất lượng ngang với những game mà chính Nintendo làm ra, đơn cử như "AM2R", "Pokémon Uranium", "Ocarina Of Time 2D", ... Bạn có thể xem qua video "Fan Projects Taken Down by Nintendo" bởi T3rr0r để biết thêm chi tiết.
- Trong khi những hãng game khác muốn Youtuber chơi game của mình mà không được, thậm chí phải trả tiền để thuê quảng cáo hộ, Nintendo chặn kiếm tiền bằng bản quyền cho tất cả video chưa gameplay trò chơi của họ. Đến tận năm 2015, mới mở trương chình "Nintendo Creators Program" cho phép Youtuber chỉ được nhận 60% đến 70% doanh thu của video. Không những vậy các Youtuber phải tự đăng ký tham gia chương trình và được Nintendo chấp nhận. Mãi đến cuối năm 2018, Nintendo mới gỡ bỏ chương trình này và cho mọi Youtuber chơi game của họ kiếm tiền thoải mái.
- Rất nhiều hãng game tự bỏ tiền ra tổ chức các giải đấu thể thao điện tử, mà còn không thu hút được fan lôi cuốn (kế như giải esport của Overwatch). Nintendo rất ít khi tổ chức giải đấu, đã thế họ còn đóng nhiều giải đấu mà người hâm mộ tâm huyết của họ tổ chức.
Chưa kể còn rất nhiều vụ việc khác, Video "Sacrifices to the Church of Nintendo" của EmpLemon tộng hợp rất nhiều vụ việc mà Nintendo lạm dụng luật bản quyền. Mà chính họ còn không kiện ứng dụng tỷ đô Flappy Bird. Điều này nói lên tất cả!
Về phía Kotaku
Vào ngày mùng 8 tháng 2, sau khi bài viết cáo buộc của Kotaku được đăng hai ngày, một tác giả khác của trang tin viết bài "The Flappy Bird Fiasco" xin lỗi Nguyễn Hà Đông:
Nguyễn cũng nhận được một số ý kiến tiêu cực vì tính nghệ thuật trong trò chơi của anh ấy. Đó là lúc Kotaku can thiệp quá mức tôi muốn. Và đó là lúc tôi tin rằng chúng tôi đã nợ Nguyễn một lời xin lỗi. Tôi sẽ nói ngay bây giờ...
Đông Nguyễn, tôi xin lỗi về những gì chúng tôi đã viết về hình ảnh trò chơi của bạn. Và tôi xin lỗi nếu những gì chúng tôi viết đã góp phần gây ra bất kỳ hành vi quấy rối nào mà bạn nhận được về trò chơi của mình. Kể cả nếu không thì tôi ước chúng tôi có thể thay đổi bài viết ấy.
Tác giả của bài viết đó, Jason Schreier, cũng đã xin được nói như sau...
"Trong vài ngày qua, tôi đã dành rất nhiều thời gian để đọc những phản hồi về bài báo tôi xuất bản tuần trước và tôi đã dành rất nhiều thời gian hối hận. Bài đăng đó thật hấp tấp và vội vàng, và dưới mức tiêu chuẩn thông thường của tôi. Với Kotaku, tôi xin lỗi vì đã để điều đó xảy ra. Với Đông Nguyễn, tôi xin lỗi vì những lời lẽ đã chọn lựa kém cỏi của mình, và tôi hy vọng rằng bạn sẽ tìm thấy bình yên."
Đã có nhiều điều được đưa ra về bài báo mà chúng tôi đăng vào thứ Năm tuần trước, với tiêu đề ban đầu là "Flappy Bird đang kiếm được 50.000 USD mỗi ngày nhờ đồ họa được ăn cắp trực tiếp." Từ "ăn cắp" quá mạnh và tác giả bài báo đã phải hối hận. Tôi cũng vậy, và ước gì tôi đã bắt lỗi được nó. Tiêu đề đã được thay đổi kể từ đó.
Tôi mong muốn điều đó một phần vì tôi không đồng ý với quan điểm của bài viết. Tôi thấy Flappy Bird được lấy cảm hứng từ tác phẩm Mario. Tôi nghĩ đó là một nguồn cảm hứng công bằng giống như nhiều nguồn cảm hứng mà chúng ta đã thấy về những tác phẩm cổ điển của Nintendo trong các trò chơi từ 3D Dot Game Heroes đến Guacamelee đến Braid. Còn có một số thứ còn chưa ngã ngũ ở đó, nhưng đó là quan điểm của tôi.
Một số thông tin sai lệch khác
Video giả mạo Nguyễn Hà Đông
Trong khoảng thời gian Flappy Bird bị gỡ, video "Flappy Bird - Message From Developer Dong Nguyen" xuất hiện trên Youtube, thu hút được một lượng người xem nhất định:
Bỏ qua việc người trong video trông còn chả giống anh Đông:
Tiêu đề của video cũng rất khác thường so với các video công bố vấn đề nghiêm túc trên mạng xã hội, nhan đề được xưng ở ngôi thứ ba. Nội dung vidoe cũng chỉ là đọc lại ý nguyên những gì anh Đông đã nói trên Twitter về việc gỡ Flappy Bird...
Pewdiepie khiến Faby nổi tiếng?
Rất nhiều người (bao gồm cả bản thân mình hồi trước) cho rằng Flappy Bird chỉ là một trò chơi chìm nghỉm, may mắn được Youtuber nổi tiếng nhất thời điểm bấy giờ - Pewdiepie - chơi và giới thiệu thì độ nổi tiếng của chú chim vàng mới được sải cánh tung bay. Video "FLAPPY BIRD - DONT PLAY THIS GAME!" được đăng vào ngày 28 tháng 1 trên kênh Youtube PewDiePie được rất nhiều cư dân mạng cho là nguyên nhân trục tiếp khiến Flappy Bird trở nên nổi tiếng.
Dựa trên dữ liệu của Google Trends từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2014 ở Mỹ:
Thống kê cho thấy từ khóa Flappy Bird vốn đã đạt 9% múc độ nổi tiếng so với với thời điểm đỉnh cao nhất. Và từ khóa Flappy Bird không có mức tăng vọt với độ dốc lớn sau khi video của Felix được đăng tải.
Không chỉ vậy, bảng dữ liệu dưới đây còn cho thấy Flappy Bird đã leo lên top 1 trên bảng xếp hạng App Store từ khoảng ngày 15 tháng 1:
Chưa kể Flappy Bird vẫn được đề cập đến rất nhiều từ trước ngày 28 trên Twitter, nổi lên nhờ việc tất cả mọi người đều joke về việc Flappy Bird quá khó quá "gây nghiện". Còn có cả một video parody về những bài đăng trên Twitter tên "FLAPPY BIRD RUINED MY LIFE" đăng ngày 25 tháng 1, ra mắt cách video của Felix 2 ngày.
Mọi chuyện càng trở nên rõ ràng hơn khi bạn thật sự xem video mà Felix chơi Flappy Bird, bắt đầu từ phút 4:02 trong video.
Có một trò chơi khác mà các bro hay đề cập tới...
Xong sau đấy anh còn nói:
Tôi biết nó về cái gì, nhưng tôi thực sự chưa bao giờ chơi nó.
Flappy Bird không may mắn tình cờ được Felix chọn chơi, Felix chơi Flappy Bird vì nó là một rage game đã nổi tiếng và được nhiều fan của anh muốn anh chơi. Video của PewDiePie dù ít dù nhiều cũng khiến cho Flappy Bird trở nên nổi tiếng hơn. Nhưng nó không phải là nguyên nhân chủ yếu hay trực tiếp, và chắc chắn không phải nguyên nhân đầu tiên khiển Flappy Bird trở thành hiện tượng.